5/8/13

Hồi Ký Lasan Khánh Hưng - Sóc Trăng cuối 1975


Nhân kỷ niệm 100 năm (1913-2013 ) thành lập trường Lasan Khánh-Hưng Sóc-Trăng, tôi xin viết lại ký sự những việc đáng nhớ ở niên khóa 1975-1976

HỒI KÝ LASAN KHÁNH HƯNG - SÓC TRĂNG CUỐI 1975.

Nhân kỷ niệm 100 năm (1913-2013 ) thành lập trường Lasan Khánh-Hưng Sóc-Trăng, tôi xin viết lại ký sự những việc đáng nhớ ở niên khóa 1975-1976, đây là niên học cuối cùng chỉ còn năm Sư-Huynh dòng Lasan giảng dạy cùng trên dưới ba mươi nam nữ học sinh Lasan còn sót lại đến giờ phút cuối chứng kiến ngày trường chính thức đóng cửa vĩnh viễn….Cám ơn quý frères, quý Thầy, Cô đã hy sinh, tận tụy dạy chúng con  nên người, cùng thân ái mến chào các bạn đồng môn Lasan trên khắp bốn phương trời, dầu cho thời gian có phôi pha, mong rằng các bạn vẫn quyết tâm nêu cao tinh thần Lasan học tập, Tôn Sư Trọng Đạo….Học sinh là người Tổ-Quốc mong cho mai sau .

(Trước sân trường Lasan Khánh Hưng - Sóc Trăng)


(Lễ tổng kết cuối năm 1973) 

LASAN 75-76… NIÊN HỌC CUỐI CÙNG

Khoảng thời gian tháng 3 năm 1975………

Không khí sinh hoạt trong trường hình như không còn bình thường, tôi đang học lớp 11, cả thầy lẫn trò hình như không còn chú tâm học tập, các thầy giảng bài cũng không còn mạch lạc,  trò học hiểu tới đâu không quan trọng, linh tính có chuyện gì lớn hơn, quan trọng hơn…tin tức, báo chí, radio, truyền hình liên tục loan tin chiến sự. Vùng I, vùng II binh sĩ, dân chúng di tản trong hỗn loạn về phía Nam, Sài Gòn tăng cường phòng thủ, dân chúng khắp miền Nam sống trong phập phồng lo sợ, ai ai cũng biết… Nhưng mọi việc sẽ diễn tiến như thế nào thì không ai đoán trước được….Thằng  Đức (bạn tôi) từ Nha-Trang mới vừa về trở lại trường, các frères ,các bạn hỏi thăm đủ điều vì Đức học chủng viện Lasan Nha Trang nơi đào tạo tu sinh sẽ trở thành Frère sau này…tin tức biết được càng thêm hoang mang… Hai tuần sau thì Nhựt cũng từ chủng viện Lasan Nha Trang lon ton về, mới thời gian ngắn như vậy trong trường đã có hai nhân vật di tản từ Miền Trung trở về càng tạo thêm không khí nặng nề căng thẳng…Các thầy có lúc đến dạy có lúc không, các frères  cũng bị phân tâm không còn dạy bình thường nữa mà thường hay nói về chuyện thời sự, hiện tình đất nước cho qua giờ. Hai ngày liên tiếp có tin trong lớp có rải truyền đơn, không biết từ ngoài cửa sổ trường ném vào hay có học sinh nào lén mang vô rồi rải trong lớp với nội dung kêu gọi bải khóa và  chống lại chính sách đôn quân, sau đó các frères đều biết chuyện này làm mọi người hoang mang hơn. Học sinh vẫn là học sinh, ăn chưa no, lo chưa tới,  vô tư coi như mọi chuyện để nhà trường lo, không phải chuyện của mình … Một buổi sáng nọ, trường thông báo các học sinh nội trú sẽ bãi khóa cuối tháng Ba, ai về nhà nấy  chờ thông báo sau; các học sinh ngoại trú vẩn cứ tiếp tục học.

  Đến giữa tháng 4/75, tôi được cô bạn học chung lớp nhắn tin chờ cô khi tan trường về, tôi không hiểu để làm chi, mối tình học trò một thoáng mây trôi, có lần đã làm tôi rơi nước mắt, mối tình chớm nở đã vội tàn ….Nàng muốn cho tôi biết một chuyện “ nghiêm chỉnh “ không có đùa, rằng nàng sẻ đi Mỹ trong tháng Tư này. Mẹ nàng làm trong sở Mỹ nên được ưu tiên di tản sang Mỹ, tôi nghĩ đơn giản, hôm nay đi, ngày mai yên bình lại về, chứ không nghĩ là hôm nay gặp nhau lần cuối… Mong rằng chúng mình mọi chuyện giận hờn bỏ qua, và phải biết kể từ sau hôm nay chúng mình xa nhau thật rồi, dù cho có muốn nối lại tình ta chắc củng đã muộn rồi… Hai đứa tôi  bốn mắt nhìn nhau ngầm tự hỏi đó là sự thật à ! nói không nên lời , tôi nắm  tay nàng, chúc nàng ra đi bình yên, mai mắn  “Nước mắt ấy đã lau khô rồi, đôi môi ấy đã quên tiếng cười….” . Sân trường vắng lặng, thời gian như ngừng trôi, không gian yên tỉnh lạ thường, từng chiếc lá rơi, gió thổi cuốn bay trên sân trường, chúng tôi sánh bước đi lần về hướng cổng trường trong im lặng bùi ngùi…

Rồi mai đây khi tình bay xa , nhớ phút giây này

Mình xa nhau xin đừng đi mau, sợ vở tan tình bấy lâu..  

(Lớp đệ nhị 73-74)

Những tháng ngày sau tháng Tư 1975…

Sau vài tháng hỗn loạn, sinh hoạt đời sống người dân tỉnh Ba Xuyên tạm thời ổn định, nhưng  bây giờ  tên gọi là thị xã Sóc Trăng, người dân cũng chẳng thắc mắc tại sao Tỉnh trở thành Thị Xã và lấy lại tên củ Sóc Trăng từ thời trào Tây, mọi người cần lo ổn định đời sống, cơm no, áo mặc hơn là các tên gọi, các danh từ mới, các nhân vật mới, ông lên bà xuống…sao cũng được miễn là Hòa Bình, hết chiến tranh  là vui, là “ phẻ rồi “, bây giờ chú tâm vào việc kiếm cơm…

Hàng ngày tôi cùng thằng Sử đi câu cá, tắm sông, chiều  chiều đạp xe ra  Cầu Trà Men Quốc lộ 4 , ăn bắp rẫy mới luộc,ngắm đồng ruộng bao-la, cò bay thẳng cánh, “trên đồng lúa vàng, một bầy Sơn-Ca.. .“ cảm thấy cuộc đời vẫn còn những giây phút thanh bình có  biết đâu đất nước đang trong cơn nguy biến, dầu sôi, lửa bỏng..

Tháng Tám, một đêm nọ trước giờ giới nghiêm 10 giờ ..

Loa phát thanh của thị xã loan tin tất các các học sinh của các trường bắt đầu từ ngày mai, trở lại trường đăng-ký đi học cho niên khóa 75-76, học sinh trở về trường đang học để biêt thủ tục đăng ký và những trường mới được chia thành 3 cấp: trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3.

Sáng hôm sau tôi rủ thằng Huy (biệt danh Huy-Cận) cùng đến trường ghi danh “đăng ký “đi học. Đến trường, chúng tôi gặp lại Cô Thảnh và Cô Dung, các cô - trò vui vẻ gặp lại nhau, các học trò cũ Lasan thì dễ dàng được tiếp nhận vì hồ sơhọc bạ vẫn còn đó nên không có gi trở ngại. Ngoài ra có thêm một số học sinh mới từ các trường khác chuyển qua, lúc này chúng tôi mới biết trường mình đã  không còn tên La San Khánh Hưng mà là trường “Trung Học Phổ Thông Cấp 3”. Để ý nơi cột cờ trước cổng trường tượng thánh Gioan Lasan cũng không còn, chỉ còn bệ mà không tượng… Sau khi đăng ký nhập học xong thì kể từ đó chúng tôi cũng không còn dịp gặp lại Cô Thảnh, Cô Dung. Hôm đó cũng không có  Fr. Samuel tới lui làm việc nơi văn phòng,  một điều đặc biệt là niên học này hoàn toàn không có đóng học phí . Fr. Samuel, Fr. Marchel, Fr. Rene đã rời trường từ lúc nào , đi về đâu trong quên lãng, không còn nghe ai nhắc đến, chắc có lẽ các frères đã về  Lasan Mai Thôn hưu trí (?!).

 Ngày nhập học vài tuần sau đó, chúng tôi gồm đám học sinh kỳ cựu Lasan cả nam lẫn nữ không đầy 30 đứa, chia làm 3 lớp, một lớp toán và hai lớp sinh vật  học chung với các học sinh trường khác chuyển qua như trường Trần Văn, Bồ Đề, Providence, Rạng Đông, Dục Anh.. Cái đám học sinh mà các frères quen mặt hầu hết tập trung vào lớp toán nên được học với Fr Quang dạy Vật lý, Fr Tú dạy Hóa học, Fr Lể dạy Pháp văn , một thầy dạy toán mới không nhớ tên, nhưng có biệt danh là “ Chín-Dê? “  và có hai thầy Miền Bắc. Thầy thứ nhất  dạy Việt văn…Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim của Tố Hửu, Chí Phèo của Ngô Tất Tố, và Ngục trung nhật ký tập thơ của Hồ Chí Minh… Thầy thứ hai dạy môn Lịch sử Đảng Cộng Sản VN suốt niên học ( đặc biệt môn học Lịch sử này  thầy giảng hoàn toàn về Cách Mạng Tháng Tám, Khởi nghĩa Nghệ An chống Pháp  cho đến năm 54, không có bài nào nói về chiến tranh Giải Phóng Miền Nam, chống Mỹ cứu nước , không đá động gì đến chính quyền Miền Nam VN và cũng không đả phá một ai trong chính quyền SG .  Xin lỗi hai thầy, chúng em không còn nhớ được tên hai thầy là gì , hai thầy bỏ lỗi cho). Không được học  với Fr Tâm, Fr Sơn nên không nhớ hai Fr dạy môn gì trong niên khóa mới này.   

 Ngày nhập trường, không có diễn văn khai trường, không có chào cờ, chẳng biết ai là  Hiệu trưởng, cũng chẳng được gặp các frères trước khi vào lớp, học sinh chúng tôi  3 lớp 12 tự động xếp hàng trước lớp theo như quy củ ngày trước, (dãy lớp 8. 9 và lớp étude của nội trú ) các học trò Lasan cũ làm sao thì học trò mới cứ làm y theo vậy. Học trò mới nghe danh “Thầy Dòng“ đã từ lâu, nay thấy học trò cũ Lasan nghiêm chỉnh xếp hàng ngay ngắn đúng giờ vào lớp thì họ cũng hơi “khớp“ trong lòng, và  lúng túng  không biết xưng hô thế nào với các frères vì lúc đó các frères đi dạy không còn mặc áo Dòng và đã ăn mặc bình thường giống các thầy khác nên họ cũng không biết ai là Thầy, ai là Frère bởi mọi người đều giống nhau cả mà. Mà Frere là nghĩa gì? viết ra làm sao? là tiếng Anh hay tiếng Pháp?… Sau mấy ngày đầu thì học trò cũ Lasan làm chủ tình hình, truyền đạt lại cho các học sinh mới biết cách phân biệt ông nào gọi là Thầy, ông nào gọi là Frère. Lúc đó, có thằng “ đâm hơi, xỏ lá ”hỏi” vậy mình kêu bằng Sư huynh được không..??? dĩ nhiên là được, mà tụi mày muốn kêu là “ Đại ca“ cũng không có ai cấm…??? ( cả đám cười ầm lên….Xin lỗi các frères, tại tụi nó “cà chớn” chứ không phải tại con đâu..!).

Có một điểm đặc biệt khá chú ý đầu tiên trong niên học mới này là….”Cái Chuông”! Tiếng chuông vào học, tiếng chuông ra chơi, ra về không có, ngày học đầu lại cũng đúng theo thông lệ giờ giấc cũ nên đúng giờ, học trò nhắc thầy hết giờ, và đúng giờ học trò tự động vô lớp và thầy, Fr củng tự động đến rồi đi, không ai giao công việc giờ giấc này cho ai…cuối cùng học trò này đành vát chuông đi đánh xứ người một cách bất đắc dĩ và cũng chính học trò này là người giựt sập cái chuông, cái cục đồng làm đòn bật lại chuông vì giật mạnh liên tục nên nó bị văng ra khỏi tường rồi rớt xuống một cái rầm…,  học trò ôm đầu chạy về lớp la lớn “xém một chút lổ đầu tao..”, cả ba lớp đều nghe tiếng chuông sập rơi xuống đều cười Ồ lên một lượt. Cũng nhờ Hống Ân Thiên Chúa nên nó không rơi trúng đầu con, thật là tạ ơn Chúa… Sau này tôi mới hiểu, đó cũng là điềm báo trước  tiếng chuông đã đoạn trường từ đây…Các Cựu Học Sinh Trung học Lasan Khánh Hưng không biết là buồn hay vui khi tiếng chuông quen thuộc đã bị giựt sập. Và cũng từ đây đã khép lại trang lịch sử hào hùng của Trường Lasan Khánh hưng - Sóc Trăng. Mà tôi cũng không ngờ rằng, một sự vô tình lại do chính tay người học trò có thể tự hào là “dân lão làng” nhất trường từ năm 1963 dưới thời frère Bề trên Hiệu trưởng Bertin, Fr. Bề trên Hiệu trưởng Maxim (biệt danh Cụ Bề ) và Fr. Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Quang (cuối cùng) là người học trò này chỉ học duy nhất một trường Lasan cho đến ngày tan hàng năm1976.

Vì là năm học thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông (Tú Tài toàn phần cũ) nên chúng tôi chú tâm vào việc học hành. Các Fr. Vẫn đến lớp dạy nhưng “phong cách“ không còn bình thường, chuyên chú vào môn dạy, đến rồi đi…hình như không còn nặng tình thầy trò như xưa ( ngoại trừ con số lẻ 30 học sinh Lasan cũ còn sót lại..) thầy trò nhin nhau mà ngầm hiểu lòng nhau, thời thế bắt buộc, lòng thầy một nẻo, lòng trò một đường…

Que sera sera..!

 Các  học sinh cũ không còn lên phòng các Fr. hỏi bài, hàn huyên tâm sự như ngày xưa, nỗi trầm tư  hằn lên những gương mặt các Fr. không còn nét tươi vui, rạng rở ngày nào. Cuộc sống, sinh hoạt của các Fr. trở nên ít nói và khép kín… Các học sinh thường hay quan sát Fr Quang để đoán tình hình…trời nắng hay trời mưa, hay cái  gì, không khí ngột-ngạt…?? Không  ai biết được ,nhưng vẫn cứ muốn biết trước coi chuyện gì sắp xãy đến, vẫn cứ đoán mò  nhưng không mò được gi….Riêng Fr. Quang thì tưởng học trò của mình (của mình, ý đây nói riêng là đám HS Lasan còn sót lại nên Fr quan tâm hơn) lo lắng cho kỳ thi sắp tới…Fr thường nói theo sức học của các “ chú “ thì Fr. yên tâm, các “chú” mà học  được như vậy thi đậu là cái chắc…

Thầy “ Chín-Dể “

Môn toán thường do các frères phụ trách, năm nay đặc biệt là do một thầy, thầy này hồi nào đến giờ không ai biết mặt, biết tên, và cũng không biết thầy đã từng dạy ở các trường nào (?). Đến nay tôi vẫn không nhớ tên thầy là gì, nhưng chỉ nhớ biệt danh của thầy học trò đặt cho là “Chín Dể “. Thầy dáng người bình dân, nhưng đặc biệt thầy lúc nào cũng mang kín râm kể cả khi ở trong lớp, hỏi ra thì mới biết thầy đi đánh trận bị thương một mắt, nhưng đánh trận vào thời chín năm kháng chiến chống Tây chứ không phải thời chống Mỹ, nên được có tên là thầy Chín , và bất cứ bài toán hay bài giảng nào của thầy cũng đều nói “dễ”. Mà thầy hay thật, thầy giảng giải các bài toán cái rụp, học trò lúc mới gặp thầy coi bộ không phục, nay sau học vài tháng với thầy thì mới biết thầy cũng nội công thâm hậu, hễ thầy nói Dể là Dể, trò làm không được thầy hướng dẩn phương pháp làm , thầy cũng thường hay kể về cuộc đời đấu tranh chín năm kháng chiến của thầy nên tên được ghép thành thầy Chín-Dể, còn tên thật của thầy không còn ai nhớ, một lần nữa thành thật xin lỗi thầy!

Hai thầy  miền Bắc, hàng ngày vẫn quần xanh lá cây màu bộ đội, áo chemise không trắng lắm, xăn tay áo, chân mang sandal cao su…sau này mới biết cả hai thầy  Miền Bắc y phục chỉ có bấy nhiêu, và không biết hai thầy có được mấy bộ để thay đổi, mà suốt năm khi lên lớp hay ra  phố củng đều y chang như vậy, ngoại trừ thêm cái nón cối..Thầy Việt văn ở phòng Fr. Rene, Thầy Lịch sử ở phòng Fr Marcel.

Một hôm thầy Việt văn nhờ học trò vài đứa lên phòng thầy  phụ mang sách xuống phát trong lớp…Đến phòng, thầy có mời uống trà nghỉ giải lao, đây cũng là lần đầu tiên thầy trò nói chuyện với nhau ngoài giờ học….Có trò hỏi..

-Thầy thấy tụi em thế nào thầy ?

-Thầy thoải mái trả lời..Các em ăn nói hoạt bát, vui vẻ, nhất là lễ phép.

-Thế thì còn học trò miền Bắc ra sao  ?

-Thấy chậm rải trả lời, Các học trò miền Bắc không được  ‘may mắn ‘ như các em,   ngoài  Bắc vì phải dồn nỗ lực cho công cuộc chống Mỹ , Giải Phóng Miền Nam và đồng thời phải lo xây dựng XHCN nên….nên đời sống không sung túc, thoải -mái như trong Nam.

-Các em cũng nghèo lắm thầy ơi !

-Cái nghèo của các em mà cái giàu ngoài Bắc có mơ- ước  cũng không có được.

- Miền Nam giàu có hơn, hết chiến tranh rồi, như vậy mình có cần xây dựng XHCN không thầy ?

-Thầy đảo mắt nhìn các học trò, đôi mắt thầy long lanh, hình như có điều gì xúc động  trong lòng, thầy không trả lời trực tiếp, thầy nói: “thầy thấy nơi các em đôi mắt trong sáng ngây thơ và tấm lòng thật-thà…!!!??”

Chúng tôi cũng vẫn chưa hiểu ý thầy muốn nói gì, nhưng sau này mới biết là…

“ Thật thà chịu nhiều xót xa…” không phải chì riêng mình mà là cả miền Nam, cả Dân tộc Việt.

……..

Buổi thảo luận chính trị duy nhất trong niên học được tổ chức trên lầu dãy tiểu  học, nơi có sân khấu tổ chức văn nghệ…Buổi thảo luận được Fr Sơn hướng dẫn, các thầy, các Fr cũng có mặt. Thầy thuyết trình sơ lược  tổng quát về tình hình đất nước, không đi sâu lắm, chỉ những chuyện đời sống, xã hội có những thay đổi, đại khái vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, chúng ta cần kiên nhẫn và quyết tâm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Sau đó Fr.Sơn hướng dẫn thảo luận, hỏi và trả lời  về bài thầy mới vừa thuyết trình….một vài câu hỏi, câu trả lời rời rạc, không sôi nổi, có lẽ các trò cũng chưa quen những buổi thảo luận, nhất là đề tài chính tri, sau một đôi phút yên lặng, có một trò giơ tay xin đặt câu hỏi, Fr Sơn mời lên đặt câu hỏi trước micro….” Kính thưa thầy, thưa Fr… Binh Pháp của Tôn Võ Tử có câu: “Chiếm được thành, lấy được nước, chưa gọi là Thắng , mà phải lấy được Lòng Dân thì mới gọi là Thắng”. Theo tình hình đất nước và đời sống nhân dân hiện nay  mình có gọi là ĐẠI THẮNG, ĐẠI THÀNH CÔNG  không à ? ……..Cả hội trường yên phăng phắc, bỗng nhiên đồng loạt vỗ tay….Fr Sơn…đang bị chiếu bí..Ú..Ớ…nhìn chung quanh cầu cứu, Fr. không trả lời được, chỉ nói quanh co, nhìn thằng vào học trò cười trừ như ngầm bảo” Trò đá nhầm gà nhà rồi, khổ cho Fr quá đi…..Xin lỗi Fr trò ấy có lý đấy, nhưng bắn lộn mục tiêu nhầm phe ta…hí.hhí…

Tháng Năm, 1976….

Thắm thoát niên học sắp hết, trong suốt một năm học “lạ-lùng “ đi qua trong yên bình, thầy trò hiểu nhau hơn, học trò vẫn chăm  chỉ học tập . Thằng Sử hay vặn lạc đài cái radio của  Fr Quang làm Fr nói trong micro không được, Fr kêu học trò này chỉnh đài lại, Fr biết mà vẫn bỏ qua…giận thì giận, mà thương thì thương. Fr có còn nhớ thằng Sử không? Thằng Sử chơi đàn mandoline kỳ văn nghệ bên trường Dục Anh, Fr dẫn đi đó…Tội nghiệp nó mất rồi Fr ơi ! sau này, nó cũng là giáo sư toán cấp 3. Đúng là cái nghiệp.! Tại vì nó không thắng nổi “Đế Quốc-Doanh“ (rượu đế nông thôn)….


Ngày thi tốt nghiệp chúng tôi đã có mặt vào đầu tháng Sáu, các trường tập trung thi tại Trung Học cấp 3 Hoàng Diệu. Lúc này các thầy, frère đến lớp chỉ để ôn bài, các học trò giỏi thì phụ giúp chỉ bài lại cho các bạn kém hơn, số còn lại thì tự hoc hay có thể ra về  tự do… Chúng tôi bốn thằng gồm Tài , Lợi, Quyền, Đức rủ nhau đánh pingpong trong phòng lớp 1 gần cầu thang dãy tiểu hoc. Chúng tôi đang chơi pingpong thì nghe tiếng người đi ồn ào ngoài sân giữa: “các học sinh tan học sao không về mà tập trung theo từng lớp ở đây làm gì ?” Chúng tôi vẩn vô tư tiếp tục chơi, độ vài phút sau thì có một bạn chạy đến kêu bọn tôi ngừng và ra cùng họp ngoài sân, chúng tôi vội vã chạy đến tập trung ngồi xếp bằng xuống đất… Không biết họp gì đây, chúng tôi đã thấy các frères, các thầy và một số “KHÁCH“ đang ngồi trên ghế ngay ngắn. Một thầy bước ra đọc tuyên bố lý do buổi họp,  sau đó một “người khách” bước ra tự giới thiệu chúng tôi là: “Cán bộ Trung ương hôm nay đến đây thi hành quyết định của Nhà Nước tịch thu toàn bộ tài sản của nhà trường, nay thuộc về Nhà Nước quản lý, các giáo  viên Quang, Tâm sẻ bị quản chế trong một thời gian, còn các giáo viên khác (chỉ các Frere thôi ) kể từ hôm nay chấm dứt nhiệm vụ giảng dạy, phải rời khỏi trường hôm nay và phải bị tạm thời quản lý treo trong thời  gian ngắn trước khi trở về nguyên quán”… không ai có phát biểu gì thêm, không khí cô động trong yên lặng, ông cán bộ lúc nãy bèn cho lệnh thi hành Công văn quyết định của Nhà Nước…..Có một vài cán bộ đi đến chổ các frères đang ngồi, các Fr cùng đứng dậy đi theo cán bộ xuyên qua sân bóng rỗ về hướng dãy lầu ngủ, Tài  vùng dậy chạy  với theo nói: “Fr ơi ! chút nữa về nhà con ở… Fr Tú nhìn lại gật đầu ….buổi họp cũng liền tan hàng sau đó ít phút.


Độ một tiếng sau, Tài đang đứng trước cửa nhà thì Fr Tú đi xe lôi đến, học trò chỉ cho Fr. đi về khách sạn ở tạm trước đã đặt sẳn phòng rồi…xe chở Fr về khách sạn. Khoảng nửa tiếng sau thì Lợi cũng chạy đến hỏi Tài  Fr Tú đang ở đâu để đón Fr  về “chăn heo“ chung với nó trong trại nuôi heo của gia đình. Frere Lể thì trò Dũng ( biệt danh Dũng Campuchia ) đón về ở chung với gia đình tại “Ngả Ba chuồng chó“, Fr là bạn cùng quê với ba của nó…Còn một nhân vật cuối là Fr Sơn, không biết Fr đã “trôi dạt” về bến nào !?. Nghe nói Fr đã tá túc ở một gia đình của dì nấu bếp cho trường…Chuyện này gây ra nhiều thắc mắc, sao không có học trò nào đến đón Fr hết vậy ta ??? (thiệt là chuyện đời khó hiểu…!!!).

Bẳng đi mấy tháng sau, học trò buồn tình muốn đi loanh quanh thăm hỏi “dân tình cho biết sự thể” nơi mấy dãy bán hàng trong chợ. Đang đi thì bỗng giật mình nhìn thấy Fr Sơn đang dọn hàng bày ra bán, bên cạnh còn có chị Phương (biệt danh là “cô Ký Bé” ) ạ ạ…thì ra là vậy! Thế thì có gì đâu mà khó hiểu! Rõ là “cô Ký Bé” với khuôn mặt xinh xắn, thanh nhã nhìn học trò vẫn nụ cười bẽn lẽn, liếc đi con mắt còn có cái đuôi…..”Nhà em mái lá đơn sơ nhưng tấm lòng rộng mở “ đã đón Fr Sơn vào. Bây giờ thì phải gọi là hai Thầy - Cô  đang có chung một “ Bi-Di-Net “ bán nón lá, mà là nón lá bài thơ cơ! “Ai ra xứ Huế thì ra…” còn Fr thì đã nhất định ở lại đây rồi. Có lẽ vì Fr sợ trời mưa…. Vì tiếng mưa…..tiếng mưa trong lòng làm minh cô đơn…

…………….   ./.

Tom Tom  “Gà-Nòi “

July, 2013.

Little Saigon, Westminster, California.

1 nhận xét:

  1. Anh Tài Nhâm với lối kể dí dõm thu hút. Đọc mà nuốt từng chữ cái thời khắc lịch sử của Trường Lasan khánh Hưng ST, chạnh lòng thương cảm mấy sư huynh phải chịu cảnh " Ra Đời " từ bỏ cái Áo dài thụng đen của Nhà dòng. Tài Nhâm là chứng nhân cho thời điểm ấy và kể lại cho lớp hậu sinh rõ tường như vậy!!! Cũng là tư liệu cho lịch sử của Trường. Cám ơn anh Tài Nhâm.

    Trả lờiXóa